Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Có một mùa hoa đỗ mai đang về






Có một mùa hoa đỗ mai đang về


Những ngày này, chạy xe từ Đà Lạt về Sài Gòn, đã thấy những cây hoa đỗ mai trụi lá bên nhiều hiên nhà, vệ đường gần đèo Bảo Lộc lấm tấm đầy nụ.
Lại nhớ những con đường hoa đỗ mai ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Lại nhớ những ghi chú trong sách đỗ mai, đỗ đào, đào đậu hay còn hay còn gọi là cây cọc rào (vì trồng làm hàng rào), hồng mai, anh đào giả, sát thủ đốm (vỏ cây ngâm nước làm thuốc diệt chuột).
Co mot mua hoa do mai dang ve hinh anh 1
Đỗ mai chào đón mùa xuân trên núi Vũng Tàu. Ảnh: Cao Cát.
Cây Gliricidia maculata thuộc họ đậu (Fabaceae) có từ rừng tự nhiên châu Mỹ, đến Việt Nam theo con đường thực dân của người Pháp. Như nhiều loài cây khác, cuối đông là mùa của đỗ mai trụi lá để xuân đến trổ hoa và lá non.
Mùa hoa tùy theo thời tiết từng vùng mà kéo dài đến 1 - 2 tháng. Hoa có thể có các màu hồng sậm, hồng phớt và trắng, chùm thưa hay chùm dày.
Xa xưa, mỗi khi xuân về, dân di cư miền Bắc ở vùng Bảo Lộc lại ra rào bụi, cắt đỗ mai cắm cành vào lọ bình để chưng thay cho hoa đào. Nhưng cành hoa coi đẹp vậy mà khi rời cây lại rất mau tàn nên không được ưa thích nữa. Rồi có tin đây là loài hoa độc nên có lúc đã bị chặt, đốt bỏ.
Nhiều năm sau đó, đỗ mai âm thầm từ vùng núi Tây nguyên (Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk) về xuôi. Ban đầu ngự trên núi cao (nơi có khí hậu lạnh) sau đó len xuống các triền núi ven biển. Rồi trở thành đặc sản hoa xuân ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phước Hải, Long Hải, Cần Giờ...
Co mot mua hoa do mai dang ve hinh anh 2
Hoa đỗ mai chụp gần. Ảnh: Cao Cát.
Lý do để cây phát triển là ngoài cho hoa đẹp, cây rất dễ trồng do ưa sáng. Chỉ cầm cắt cành cắm xuống đất ẩm, chăm tưới nước là cây phát triển tốt. Tại các vùng núi đá ven biển, đỗ mai là loại cây lý tưởng vì vừa có hoa đẹp, lại có tác dụng phủ xanh.
Chạy dài theo bờ biển Phước Hải có khá nhiều triền núi trồng đỗ mai. Tháng Giêng, mùa hoa nở, giới nhiếp ảnh săn hoa lại í ới rủ nhau phóng xe máy đi ngắm những con đường hoa từ đèo cao đến xa lô ven biển Bà Rịa, Phước Hải…     
Theo các học trò kỳ cựu của trường Nông Lâm Mục Súc Bảo Lộc, cách đây hơn nữa thế kỷ, giáo sư Lê Văn Ký (vị giám học đầu tiên của trường, cũng là thầy giáo đầu tiên của ngành Lâm nghiệp) trong một lần hướng dẫn môn sinh trong môn phân loại thực vật có bảo: “Hàng cây đỗ mai trồng từ cổng trường Bảo Lộc về hướng Lưu Xá D là do thầy đem từ rừng về. Thầy đặt tên là đỗ mai vì trái nó giống trái đậu và bông nó giống như bông mai”.
Thầy Ký hiện đang sống tại Đồng Tháp và vẫn còn rất minh mẫn. Trong một lần về thăm cách đây trên mười năm, khi người viết hỏi về chuyện này, ông khiêm tốn trả lời: “Thầy chỉ đặt tên cho cây hoa ấy là đỗ mai. Còn các cái tên khác như đỗ đào, anh đào giả thì ai cứ yêu thích tên gì gọi tên đó. Quan trọng là cây hoa đẹp đã được biết đến và đang được phát triển rộng khắp...”.
Co mot mua hoa do mai dang ve hinh anh 3
Đỗ mai hồng Đà Lạt. Loại này dễ nhầm với mai anh đào. Trong khi hai loài cây hoàn toàn khác nhau. Ảnh: Cao Cát.
Ngoài chuyện người thầy đặt tên cho cây hoa đỗ mai, theo ký ức của những sinh viên Nông Lâm Mục Súc ngày đó, trong sân trường trồng rất nhiều hàng cây được đặt tên rất lãng mạn như hoàng hoa lộ (cây muồng hoa vàng), đào hoa lộ (cây đỗ mai)...
Mỗi hàng cây được trồng luôn được chăm sóc từ những lớp sinh viên gắn bó, nhưng do tác động thời gian, kinh tế, con người đã gần như mất dần vì già cỗi. Còn nếu như còn, có thể coi cội đỗ mai còn sót trong sân trường Bảo Lộc bây giờ là một trong những cụ cây có tuổi đời mang tính lịch sử phát triển lâm học.
Từ thảm rừng cây xanh được bảo tồn nầy, hướng phát triển của trường từ Quốc Gia Nông Lâm Mục đến Trung học Nông Lâm Súc, là ban Thủy lâm sẽ trồng bổ sung thêm các loài cây (ngày đó gọi là các sắc mộc) để biến không gian xanh quanh trường thành một bộ sưu tập cây rừng Việt Nam. 
Nhưng việc này đã bị ngưng trệ do chiến tranh, sau này thì không còn ai tiếp nối nữa.
Ở TP HCM, ngoài Thảo Cầm viên, khách nhàn du có thể ngắm một cây hoa đỗ mai đang nở hoa tại khu vực cà phê vườn tượng trong công viên Tao Đàn. Cây này khá cao, lại bị che khuất nên khi nở hoa ít được lưu ý.
Theo Trần Duy / Tuổi Trẻ

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

TỪ ÁC CẢM TỚI HIẾN THÂN 


Cậu ấm Bửu Dưỡng thuộc dòng tộc triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm vua Minh Mạng. Cậu sinh năm 1907, là con trai thứ năm cụ Ưng Trình là Thượng thư và đại thần Cơ Mật. Thiếu thời, cậu học trường Quốc Học Huế, rồi trường Cao Đẳng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về Huế làm thông phán sở Bưu Chính.
“Trước kia tôi rất ghét Kitô giáo và không muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một cuốn sách nào dính dáng đến Công giáo. Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý, đến độ mỗi khi nhìn thấy chữ ‘Thiên Chúa’, tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sửa thành chữ ‘Trời’. Khi dạy học cho trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ Thiên Chúa. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ. Có những thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua cơn khủng hoảng. Trong suốt ba năm, khi cô đơn không cùng bạn bè, những đêm mất ngủ, những chiều trống vắng sau khi nghe vài bản nhạc buồn, làm tôi tự hỏi: ‘Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?’ Tôi phải theo ư? Thật là một điều không thể nào tưởng tượng nổi! Không bao giờ! Dù nó có đúng, nó có trật, nó có hay, nhưng thôi ‘ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn."
Nhưng dần dần Bửu Dưỡng nhận thấy dường như mình quá bất công đối với Kitô giáo. Ác cảm của Bửu Dưỡng có nguồn cơn là do thành kiến của người công tử hoàng gia của một nước bị Pháp đô hộ mà các nhà truyền giáo thời đó phần đông là người Pháp, còn rất xa lạ với phong tục và văn hóa Việt Nam.
Nhưng rồi khi đang học trường Quốc Học, Bửu Dưỡng kết bạn với học sinh bên trường Pellerin của các thầy dòng Lasan: “Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp qua các đề tài học hành và giải trí, nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề đức tin, chúng tôi không tránh được những lời lẽ khá nặng nề. Một buổi tối, chúng tôi nói chuyện phiếm, rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo xen vào, do nhắc tới những người coi tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để nhờ xem kết quả kỳ thi cuối năm.”
“Mặc dù nhà Phật được quảng bá sâu rộng, nhưng Đức Phật không phải là Đấng Sáng Tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã dựng nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình. Con người thật lạ lùng."
"Còn người công giáo tin Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Nhiều thế kỷ trước khi Chúa giáng sinh, các vị tiên tri thời Cựu Ước đã báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra. Họ còn nói chi tiết hơn nữa về đời sống nghèo khó, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài. Những lời ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều".
Một ngày đẹp trời, Bửu Dưỡng thích thú mua hai cuốn “Le genie du Christianisme” (“Ưu tính của Kitô giáo”) của Chateaubriand và “Pensées” (“Tư Tưởng”) của Pascal, không phải vì nội dung tư tưởng mà vì thích lối hành văn của hai tác giả nổi tiếng trong nền văn học Pháp. Mua rồi quên cho đến ngày chuẩn bị hành trang ra Hà Nội học cao đẳng, Bửu Dưỡng mới mở sách ra đọc “Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Cùng lúc ấy có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó theo”. Tác phẩm đồ sộ gồm những chủ đề cốt lõi, siêu linh, sâu sắc về tầm vóc vô biên của con người, về Thiên Chúa, về bác ái và mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Tình Yêu, về Chân Lý của trái tim, với lời bất hủ của Pascal: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết đến”.
“Càng ngày tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo Hội Công giáo. Nhưng mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt Nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo ngoại bang, nó xa lạ khác thường với phong tục tập quán dân tộc, nó có vẻ ‘Tây’ quá. Một ngày khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi. Vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những thầy tu dòng khổ hạnh truyền giáo Xitô (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập ở núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến quyết định gia nhập Công giáo."
Sau một năm, tu sinh Bửu Dưỡng vì sức khỏe yếu, đau bao tử, bị chứng tê thấp, lại bị mụt nhọt ở chân, được cho về nhà nghỉ dưỡng bệnh tại gia đình ở Huế. Trong thời gian đó, vì làm việc dịch giúp cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế một số bài giảng đạo mà Bửu Dưỡng trở nên say mê triết lý thần học. Rồi cơ duyên tới khi Bửu Dưỡng được đi du học tại Pháp. Sau một năm, Bửu Dưỡng được phong Linh mục vì khả năng trí tuệ siêu việt. Đó cũng là lúc mà cha bị giải phẫu bị cưa mất một chân và gắn chân giả. Cha tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1945, sau hai năm, vào năm 1947, cha về phục vụ tại Tu Viện Đa Minh Hà Nội.
Đã từng tận mắt chứng kiến những đau thương do chiến tranh thế giới thứ hai gây ra ở Âu châu, lại trở về quê hương giữa lúc chiến tranh ác liệt, năm 1949 cha tập hợp những người có lòng, có tâm cả bên lương lẫn bên giáo thành lập “Hội Cấp Tế Nạn Nhân Chiến Tranh”. Hội hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, thăm viếng tù nhân ở các trại giam, can thiệp trả tự do và trợ cấp những gì cần thiết cho họ: giúp nhắn tin, chuyển thư từ, chuyển đồ tiếp tế của thân nhân gửi, thăm viếng, cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, lập khu tạm trú cho đồng bào tản cư, lập nhà cho cô nhi quả phụ.
Sau hiệp định Genève, Linh mục Bửu Dưỡng vào Nam, tạm trú tại đường Pasteur Đà Lạt. Cha lập một trại nhập cư mang tên là Du Sinh trên một vùng đồi diện tích rộng, gần thác Cam Ly, quy tụ những gia đình di cư ngày càng đông: 1000 người năm 1955 và 2500 người năm 1963, giúp họ ổn định cuộc sống, rồi khởi công xây cất nhà thờ. Cha có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế tháp chuông và tường thành với những hoa văn theo kiến trúc Á Đông. Tên “Du Sinh” cũng do chính cha phiên âm Việt hóa tên Thánh “Giuse”, vừa diễn tả nguồn gốc “du hành” của những giáo hữu di cư vào Nam.
Không chỉ có lập nhà thờ Mai Khôi, cha Bửu Dưỡng còn mở trường tư thục Mai Khôi, dạy nữ công gia chánh, một nhà nuôi trẻ mồ côi, xây bệnh xá, đặt hệ thống dẫn nước. Vừa đảm trách giáo xứ, cha vừa nhận dạy học tại Đại Học Đà Lạt, Saigon, Huế. Năm 1959, cha đi Rome yết kiến Đức Giáo Hoàng, qua Paris nghiên cứu phương pháp giáo dục của Pháp rồi đi Mỹ tìm hiểu các dự án định cư người tị nạn chiến tranh, phát triển canh nông, các cơ sở văn hóa, xã hội để ứng dụng thực hiện ở quê hương.
Năm 1964, cha được chuyển về xứ đạo An Hòa (Đức Trọng) vừa là chánh xứ, vừa dạy triết ở trường trung học Adran của các sư huynh Lasan Đà Lạt. Năm 1970, chuyển về Saigon, cha hợp tác với hội Minh Trí thành lập Đại Học Minh Đức, với năm phân khoa: Triết Lý, Y Tế, Kinh tế, Thương Mại, Khoa Học Kỹ Thuật, Kỹ Thuật Canh Nông. Cha cũng trở thành Hiệu trưởng Đại học Minh Đức.
Sau năm 1975, cha Bửu Dưỡng sống ở học viện Đa Minh, Thủ Đức. Ngài mất năm 1987 hưởng thọ 80 tuổi, để lại di sản về văn hóa và triết học gồm các tác phẩm:
- Tôn giáo: Chúa Cứu thế: “Ngài là ai?” Ngài muốn gì? Ngài ở đâu?
- Triết học: Các triết lý Đông, Tây, Kim, Cổ, gồm ba cuốn: Quan niệm triết học (Triết học nhập môn). Quan niệm người đời (siêu hình, tâm lý, luân lý). Quan niệm đời người (đạo đức, xã hội, chính trị).
- Vấn đề đau khổ (đối chiếu các tư tưởng tôn giáo, triết học, văn nghệ và khoa học).
- Tứ Thư Giải Luận (phiên âm, dịch nghĩa, giải thích và bình luận Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.
- Tùng Thiện Vương (tiểu sử và thi văn): viết chung với thân phụ là cụ Ưng Trình.
- Sưu tập, giải thích ca dao, tục ngữ Việt Nam, sắp theo thứ tự A,B,C. Sưu tập được thực hiện vào những năm cuối đời của ngài, nhưng còn dở dang.
Ảnh Linh mục Bửu Dưỡng (áo chùng màu trắng) cùng đoàn nhân sĩ Hà Nội năm 1950. Xin cám ơn Kim Đoàn đã bỏ công tìm kiếm và cho nguồn để mình làm status này nhờ sử dụng tư liệu của Lê Ngọc Bích, Mai Thành và Hương Vĩnh.

Kim Chi

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần và Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai

Sau hai năm được thọ giáo thầy Nguyễn Khắc Thuần, qua cái môn mà đa phần các bạn sinh viên thường cho là khô khan, học cho xong...Nhưng sau một thời gian, Thầy Thuần đã làm cho các bạn có một cái nhìn thật sâu về lịch sử Việt, lịch sử Trung...bên cạnh đó thầy
còn chia sẽ những kinh nghiệm trong đời sống giới trẻ, đời sống hôn nhân và gia đình. Trong một lần lang thang trên internet, vô tình tôi bắt gặp được bài viết của Tiến sĩ Bùi Việt Hải, nên muốn chia sẽ cùng các bạn một chút về người thầy đáng kính!
 
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần

Trước khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, ông Nguyễn Khắc Thuần từng làm việc tại Báo Văn nghệ giải phóng trong thời kỳ chiến tranh. Sau năm 1975, ông giảng dạy về lịch sử - văn hóa, là giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. Tuy đã về hưu nhiều năm nhưng ông vẫn được mời làm Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Bình Dương. Ông được một số trường đại học nước ngoài phong học hàm giáo sư, nhưng ở trong nước thì chưa được phong. Ông thường vui vẻ yêu cầu: “Xin hãy gọi tôi là Nhà sử học hay Nhà văn hóa học”.
Tuy vậy, nhiều người vẫn nghiễm nhiên tôn xưng ông là “giáo sư Nguyễn Khắc Thuần” mà chẳng hề có ý kiến phản đối. Và chắc ông cũng là người duy nhất ở Việt Nam không có bằng tiến sĩ mà vẫn là người thầy đáng kính của bao nhiêu vị tiến sĩ! Đó là bởi uy tín rất lớn của ông với kiến thức uyên thâm trong nghiên cứu, giảng dạy và những công trình đồ sộ.
Ông là tác giả của 313 cuốn sách đã xuất bản và được tái bản nhiều lần. Trong đó có nhiều tác phẩm lớn và nổi tiếng như Việt sử giai thoại (8 tập); Danh tướng Việt Nam (5 tập); Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (5 tập); Trông lại ngàn xưa (3 tập); Thế thứ các triều vua Việt Nam; Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam; Các đời đế vương Trung Hoa…Ông còn dịch và hiệu đính rất nhiều tác phẩm khác, đáng kể nhất là bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập. Đặc biệt, hai bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam dày hơn 3.000 trang và Lê Quý Đôn tuyển tập gồm bốn cuốn, dày hơn 5.000 trang của ông đã được công nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.

Để có được những công trình để đời đó, ông đã miệt mài làm việc không ngưng nghỉ. Ngay cả khi đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, thời gian biểu của ông vẫn rất sít sao mà tác phong vẫn nhanh nhẹn, đầu óc vẫn minh mẫn lạ lùng. Trong đời thường, nhà học giả uyên bác và nổi tiếng này rất vui tính, dễ mến với lối giao tiếp lịch thiệp mà hài hước, dí dỏm.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai

Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Đại học Tổng hợp TP. HCM và đi dạy, bà Lý Thị Mai theo học chương trình Cao học ngành lịch sử. Rồi bà tham gia khóa Đào tạo sau đại học về Tâm lý trị liệu gia đình tại Vương quốc Bỉ và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bà đã nhiều năm giảng dạy tại các trường học và rất nhiều khóa học phục vụ cộng đồng. Hiện bà là giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tâm lý học ứng dụng. Đồng thời là chuyên gia tư vấn tâm lý trong nhiều chương trình trên các đài phát thanh, truyền hình TP. HCM và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu...Bà cũng là người phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý cho nhiều tờ báo. Những chương trình của bà hoặc có bà tham gia đều mamg ý nghĩa xã hội thiết thực, tính nhân văn cao nên có sức thu hút lớn với công chúng.



Lời nhắn nhủ cũng là sự đúc kết giản dị mà sâu sắc của bà là: “Bài học lớn lao nhất của cuộc sống chính là ở chỗ người ta không rút ra từ cuộc sống những bài học”. Những tác phẩm “gỡ rối tơ lòng” của bà, đặc biệt là bộ sách “Trò chuyện với chuyên gia tâm lý” gồm 5 tập, đều là những bài học quý, những cẩm nang rất bổ ích giúp cho mỗi người, mỗi gia đình, nhất là các bạn trẻ xây dựng được những kỹ năng sống tốt để đạt tới hạnh phúc và thành công.


Vì những đóng góp lớn đó, với tư cách là giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng, bà đã vinh dự được bình chọn là một trong 10 gương mặt đứng đầu danh sách “Top 100 Phong cách doanh nhân 2012”. Bà còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội và đảm nhận những vị trí công tác quan trọng khác. Bởi vậy, bà Lý Thị Mai được nhiều người biết đến và quý trọng là một chuyên gia tâm lý nổi tiếng, chứ không chỉ là “phu nhân của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần”.

Và “hai bác Thuần, Mai”

Ông Nguyễn Khắc Thuần từng chia sẻ: “Tôi may mắn được trời ban cho người bạn đời rất hợp ý nguyện của mình. Nhà tôi ngày nào cũng làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm với hàng loạt công việc khác nhau như dạy học, nói chuyện chuyên đề, giám đốc công ty tâm lý học ứng dụng, ghi âm và ghi hình cho các đài phát thanh, truyền hình, viết báo, rồi viết sách…Nhưng sự quan tâm trước nhất, lớn nhất vẫn là dành cho tôi. Lịch làm việc của nhà tôi cũng chi chít những nội dung phải giải quyết như tôi, nhưng còn có thêm những dòng “rất phụ nữ” như ngày giờ đi siêu thị, chồng mặc áo quần màu gì và đeo cravate nào, dặn cháu giúp việc và lái xe điều gì… Bận bịu như thế nhưng chỉ trong 20 năm gần đây, nhà tôi đã xuất bản 17 cuốn sách và hiện có 2 cuốn đã hoàn tất bản thảo..”.

Một nhà sử học và một chuyên gia tư vấn tâm lý, họ sinh ra như để dành cho nhau vậy. Quả thực, không chỉ có kiến thức chuyên môn và sức làm việc rất đáng nể mà hạnh phúc của gia đình học giả này cũng rất tuyệt vời. Ba mẹ tôi vẫn nói vui mà rất thực rằng: “Vợ đó chồng đó thì chẳng thể giận nhau được lâu!”. Từ khi tôi còn nhỏ tới giờ, mỗi mùa xuân mới hay những ngày kỷ niệm của gia đình tôi đều là dịp sum họp vui vẻ cùng những người bạn thân thiết. Trong đó, “hai bác Thuần, Mai” luôn là cái tên được nhắc tới đầu tiên.

 Hai bác dành cho anh em tôi tình cảm yêu thương, sự quan tâm, dìu dắt cả về học tập, làm việc cũng như ứng xử trong cuộc sống. Ngày tôi lên đường đi du học, kỳ nghỉ về thăm nhà, ngày bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ, và được Đại học URH. SCI. phong học vị Phó giáo sư, rồi ngày cưới của tôi…hai bác đều có mặt. Vui vẻ đưa, đón và chúc mừng với những lời khuyên bảo, dặn dò ân cần mà tôi không thể nào quên. Khi tôi đã trưởng thành, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần vừa là người thầy đáng kính vừa là “sếp” của tôi ở Khoa Việt Nam học, trường Đại học Bình Dương. Còn chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai thì như cô giáo, như người mẹ thứ hai, dẫn dắt vợ chồng tôi từng bước trên con đường đầy bỡ ngỡ xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Tôi yêu mến, kính trọng những bậc thầy của mình, nhưng vẫn thích được gọi họ là “hai bác Thuần, Mai” một cách bình dị mà thân thương, gần gũi hơn nhiều!

Theo Tiến sĩ Bùi Việt Hải